90% rác thải nhựa gây ô nhiễm đại dương đến chỉ từ 10 con sông

Châu Á có đến 8 trong số 10 con sông gây ô nhiễm rác nhựa nhất trên thế giới - Image Credit: REUTERS/Stringer

Trong thập niên qua mối nguy về rác thải nhựa trên các đại dương ngày càng trở nên trầm trọng.
Có hơn 8 triệu tấn rác kết thúc bằng trôi dạt trên các đại dương mỗi năm. Nếu tiếp tục gây ô nhiễm với tốc độ này, đến năm 2050 sẽ có nhiều rác thải nhựa trên các đại dương hơn là cá.
Bạn có bao giờ tự hỏi rác nhựa trên các đại dương đến từ đâu chưa?
Phần lớn các rác nhựa này trôi dạt ra đại dương từ các con sông. Và có đến  90% rác nhựa được thải ra chỉ từ 10 con sông theo các kết quả nghiên cứu.
NHỮNG DÒNG SÔNG RÁC
Bằng việc phân tích rác được tìm thấy trên các con sông và vùng đất xung quanh, các nhà nghiên cứu đã ước tính rằng chỉ 10 hệ thống sông chở đến 90% lượng rác thải nhựa trôi dạt ra đại dương.
Tám trong số đó là từ châu Á: Trường Giang (cửa biển ở Trung Quốc), Sông Ấn (Ấn Độ), Hoàng Hà, Hải Hà (Trung Quốc), Sông Hằng (Ấn Độ), Châu Giang, Amur hay Hắc Long Giang (Trung Quốc), Me Kong (Việt Nam), và hai con sông ở châu Phi là Nile (Ai Cập) và Niger (Nigeria).
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ rõ ràng giữa tình trạng ô nhiễm ở các vùng đất lưu vực sông, khi mà rác thải không được xử lý đúng cách, với lượng rác nhựa đổ ra biển. Các con sông càng lớn thì lượng rác đổ ra biển cũng càng nhiều. Biểu đồ dưới đây cho thấy số lượng (tính bằng đơn vị tỷ) và khối lượng (tấn) của rác nhựa đổ ra các đại dương trên thế giới. Theo đó, lượng rác đổ ra Thái Bình Dương là lớn nhất.

Các con sông thường có hai đặc điểm chung: thường có dân cư sống tập trung đông ở các vùng xung quan - có khi lên tới hàng trăm triệu người - và mức độ xử lý rác thải kém hiệu quả.
Trường Giang là con sông dài nhất ở châu Á và cũng là một trong những con sông quan trọng nhất về mặt sinh thái. Vùng hạ du của con sông này là nơi cư ngụ của gần 500 triệu người (hơn một phần ba dân số của Trung Quốc). Và đây cũng là con sông chở rác nhựa ra biển lớn nhất.
Cũng may mắn là gần đây Trung Quốc đang có những cố gắng để ngăn chặn tình trạng ô nhiểm.
Trong nhiều năm, quốc gia này đã nhập khẩu hàng triệu tấn rác thải tái chế từ nước ngoài, nhưng gánh nặng phải tái chế rác thải từ chính nội địa đã khiến chính phủ phải thay đổi chính sách.
Năm ngoái, Trung Quốc đã ngừng việc nhập khẩu rác tái chế từ bên ngoài.  Đến gần đây thì quốc gia này cũng mở rộng lệnh cấm đối với rác kim loại và xem đây như một biện pháp mang tính biểu tượng để tạo ra nền văn minh sinh thái ở Trung Quốc.
Trong năm nay, Trung Quốc đã yêu cầu 46 thành phố bắt đầu phân loại rác để đạt đến tỷ lệ tái chế 35% trong năm 2020.
Theo người đứng đầu chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc, trong khi Trung Quốc là quốc gia tạo ra nhiều rác thải nhựa nhất, chính họ cũng đang có những nỗ lực to lớn để ngăn chặn tình trạng này.
Chính quyền Ấn Độ đã ra quyết tâm dọn sạch sông Hằng linh thiêng - Image Credit: REUTERS/Rupak De Chowdhuri

Sông Ấn và Hằng, chảy dọc qua lãnh thổ Ấn Độ, là hai con sông tải rác lớn thứ hai và thứ sáu trên thế giới.
Nhiều năm trước, chính quyền Ấn Độ đã triển khai gọi thầu cho dự án Namami Gange nhằm làm sạch sông Hằng, nhưng mới đây, theo Tòa Án xanh quốc gia của Ấn Độ, một tòa án dành riêng cho các vấn đề môi trường, thì chưa hề có một giọt nước nào của sông Hằng được làm sạch.
Tại đại hội về môi trường của Liên Hiệp Quốc tổ chức vào tháng Mười Hai năm 2017, Ấn Độ cùng với 193 quốc gia khác đã ký một nghị quyết nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trên các đại dương.
Năm ngoái, Tòa Án xanh quốc gia đã đưa ra lệnh cấm sử dụng các loại sản phẩm bằng nhựa sử dụng một lần tại thủ đô Delhi, trong khi đó, các túi nhựa không tự phân hủy cũng bị cấm tại nhiều bang.
[Nguồn: 90% of plastic polluting our oceans comes from just 10 rivers _ World Economic Forum]

Comments

Popular posts from this blog

Xiongan (Tường An?): Thành phố mới trong kỷ nguyên Tập Cận Bình

Vì sao người Ấn Độ vượt qua người Trung Quốc trên thị trường việc làm tại Hoa Kỳ?

Thunder giành lấy vị trí dẫn đầu thị phần công cụ download P2P của uTorrent