Vì sao người Ấn Độ vượt qua người Trung Quốc trên thị trường việc làm tại Hoa Kỳ?

Trong khi hàng ngàn sinh viên người Hoa tốt nghiệp ở Hoa Kỳ đang tìm việc làm có thể giỏi về học hành, nhưng những yếu tố văn hóa có thể cản trở họ.


Thực tế tỏ ra khó khăn hơn nhiều khi Ellen Wu dự kiến tìm kiếm được một công việc ở Seattle, nơi mà chồng cô đang làm việc, sau khi lấy được bằng MBA ở Hoa Kỳ.
Tốt nghiệp năm 2016 tại một trường kinh doanh thuộc top 20 mà cô ấy không tiện nêu tên, cô đã phải dành mất một năm để sắp xếp hai kỳ thực tập trước khi chính thức được tuyển dụng vào cuối năm ngoái.
Hiện nay là một quản lý marketing cấp cao tại một start-up, Wu, 38 tuổi, cho biết rằng cô không phải là người Hoa duy nhất trong lớp phải đối mặt với khó khăn khi tìm việc làm.
Trong khi ngày càng nhiều gia đình Trung Quốc đang gửi con sang học ở những quốc gia phương Tây, nơi mà họ cho là có nền giáo dục tốt hơn, những người muốn ở lại sau khi học và tìm kiếm việc lại thường tỏ ra kém cạnh tranh hơn trong thị trường việc làm hơn nhiều so với việc học hành trong trường.
Trong khi người châu Á nói chung thường có bất lợi hơn trong việc tìm kiếm công việc ở những quốc gia như Hoa Kỳ, như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, nhưng xét về tổng thể, người Ấn Độ tỏ ra vượt trội so với người Hoa trong nhiều lĩnh vực.
Wu cho biết có khoảng 20 phần trăm sinh viên trong lớp MBA của cô là người Ấn hoặc Hoa, và số người Hoa lại nhiều hơn so với người Ấn. "Gần như toàn bộ sinh viên Ấn đã tìm được việc ngay khi tốt nghiệp vào tháng Năm 2016, trong khi đó chỉ có một nữa số người Hoa làm được việc đó," cô cho biết thêm.
"Tôi cho rằng khả năng thành thạo tiếng Anh, kỹ năng thiết lập và duy trì quan hệ, và khả năng đàm phán là những điều mà chúng tôi thua người Ấn. Điều này đặc biệt đúng với những người tốt nghiệp MBA khi đi tìm việc," Wu nói.


Theo số liệu của Bộ Giáo dục, Trung Quốc gửi 608.400 người ra học ở nước ngoài trong năm 2017, tăng 11 phần trăm so với năm trước đó và tăng hơn bốn lần so với cách đây 10 năm.
Hoa Kỳ cho đến nay vẫn là điểm đến được ưa thích nhất với khoảng 350.000 sinh viên Trung Quốc đến học vào năm ngoái.
Trong bốn thập kỷ vừa qua, có khoảng 5,2 triệu sinh viên Trung Quốc đã đi du học, trong số đó 20 phần trăm đã ở lại để tìm kiếm việc làm theo các số liệu chính thức.
Người châu Á là nhóm thiểu số lớn nhất đi làm và khả năng được tuyển dụng là cao nhất, nhưng cũng là nhóm người ít có khả năng được thăng tiến đến các vị trí quản lý hay điều hành, đó là kết quả nghiên cứu của Ascend, một tổ chức phi lợi nhuận Pan-Asia về nhân sự kinh doanh ở Bắc Mỹ.
Phân tích của tổ chức này dựa trên nghiên cứu về lãnh đạo của các công ty công nghệ tại vùng vịnh San Francisco thông qua dữ liệu được công bố công khai từ năm 2007 đến 2015.
Trong số ít những vị trí lãnh đạo do người châu Á nắm giữ, người Ấn tỏ ra vượt trội, với những vị trí điều hành chủ chốt từ những công ty hàng đầu như Google, Microsoft, Sandisk và Adobe đều là người Ấn, nhưng rất ít người Hoa có mặt trong giới lãnh đạo những công ty hàng đầu này.
Điều này một phần do làn sóng người Hoa tham gia vào thị trường lao động ở Hoa Kỳ chỉ mới bắt đầu gần đây, vì vậy, ngay cả những người thành công nhất vẫn đang phải cố gắng trên bậc thang nghề nghiệp.
Trong khi ngược lại những người di dân gốc Ấn đã đến Hoa Kỳ từ những năm 1960 và làn sóng thứ hai diễn ra trong giai đoạn từ 1980 đến 2010, theo như nhóm thinktank không vì mục đích lợi nhuận Migration Policy Institute có trụ sở tại Washington chỉ ra. Năm ngoái, nhóm này cũng đã có một báo cáo chỉ rõ rằng người Ấn được giáo dục tốt hơn, được sử dụng nhiều hơn ở các vị trí lãnh đạo cấp cao và có thu nhập hộ gia đình tốt hơn.
Sinh viên Trung Quốc thì thường là những nhà nghiên cứu học thuật xuất sắc, nhưng việc họ lại thiếu những kỹ năng mềm là cản trở lớn khi phải cạnh tranh với người phương Tây và ngay cả với người Ấn trên thị trường việc làm, Adrew Chen, một lãnh đạo tại đơn vị tư vấn giáo dục WholeRen Group có trụ sở ở Pittsburgh, Pennsylvania cho hay.
"Sinh viên người Hoa không cởi mở bằng người Mỹ, châu Âu hoặc Ấn. Họ thường không có bạn bè ở địa phương và chỉ tập trung vào việc học. Họ không biết làm sao để thương lượng với người địa phương và làm sao để có thể xin được thực tập," Chen nhận xét.
Điều này là bởi vì các nhà giáo dục Trung Quốc tập trung vào học thuật đơn thuần nhưng lại bỏ qua kỹ năng truyền thông, làm việc nhóm và lãnh đạo, Chen nói thêm.
Wu, người làm việc trong môi trường ngôn ngữ tiếng Anh gần 10 năm trước khi đi du học ở Hoa Kỳ, điểm đến cho hơn nữa triệu sinh viên Trung Quốc, vào năm 2013, nói rằng cô vẫn chưa hài lòng với kỹ năng tạo lập và gìn giữ quan hệ.
Cô chia sẽ, "lúc bắt đầu việc học ở Hoa Kỳ, tôi thực sự sốc. Bất kỳ ai cũng có thể ngắt lời và phản bác lại giáo sư, điều mà rất hiếm khi xảy ra ở Trung Quốc."
Co nói rằng đây là vấn đề thường gặp với các sinh viên Đông Á ở Hoa Kỳ, nhưng ngược lại, các sinh viên Ấn lại tỏ ra giống với sinh viên phương Tây.
"Những người đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc không bao giờ nói một tiếng trong lớp học," cô nói. "Điều đó có giống như đối với những người khác họ không tồn tại sau suốt một học kỳ, ngay cả khi họ đạt điểm A+. Nhưng người Ấn lại rất chủ động. Họ biết rõ làm thế nào để đàm thoại và làm thế nào để thuyết phục người khác."
Chen cũng lưu ý rằng nếu so với người Ấn, những người thường rất hướng nghiệp và thực tế khi chọn trường và chuyên ngành, người Hoa thường tập trung quá nhiều vào xếp hạng của trường mà họ đăng ký vào và ít nghĩ đến tương lai nghề nghiệp.

Dù vậy, vẫn có một số lĩnh vực mà việc tập trung hoàn toàn vào nghiên cứu học thuật có thể giúp cho các sinh viên tốt nghiệp người Hoa.
Nếu so với những người tốt nghiệp các trường kinh doanh, nghệ thuật, những người đi vào chuyên ngày khoa học và kỹ thuật thường có thể tìm thấy công việc ưng ý một cách nhanh chóng, Yuan Yuan, người lấy bằng tiến sỹ kỹ thuật máy tính tại Hoa Kỳ bảy năm trước và hiện nay là một kỹ sư phần mềm tại Microsoft, chia sẽ.
Lợi dụng nhu cầu cao đối với nhân sự công nghệ, nhiều sinh viên Trung Quốc đã được vào làm tại những công ty công nghệ hàng đầu thế giới nhờ vào sự thông minh và việc sẵn sàng chọn "một công việc nhàm chán đòi hỏi người làm phải ngồi trước máy tính mà không nói một lời," điều mà thông thường người Mỹ không thích, Yuan nói.
Dù vậy Yuan cũng đồng ý với thực tế phần lớn người Hoa tốt nghiệp chỉ đạt được những vị trí thấp trong khi nhiều CEO các doanh nghiệp lớn là người Ấn.
"Những CEO này hiện thường ở độ tuổi 50, điều này có nghĩa họ đã bắt đầu công việc từ cách đây hàng thập kỷ. Làn sóng sinh viên du học Trung Quốc chỉ mới bắt đầu trong thập kỷ trước, vì vậy tôi nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể thấy thực chất cuộc cạnh tranh này trong một vài thập kỷ nữa," anh này nói.
Wang Huiyao, sáng lập Trung tâm về Trung Quốc và toàn cầu hóa, một thinktank tại Bắc Kinh, đồng ý rằng cần nhiều thời gian hơn để đánh giá thực chất về khoảng cách giữa sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc và những đối thủ cạnh tranh quốc tế khác trong thị trường việc làm, bởi vì phần lớn người Hoa học ở nước ngoài được sinh trong những năm 1980 và 1990.
"Có thể đúng là người Hoa kém hơn về mặt quản lý, nhưng họ cũng đã có những thành tựu nhất định trong lĩnh vực học thuật," ông nói. "Chúng tôi có những bác sỹ, nhà khoa học và kỹ sư giỏi."
Wu, người có bằng MBA, nói rằng vấn đề lớn nhất mà cô học được trong quá trình săn lùng việc làm là kỹ năng mềm rất quan trọng.
"Đối với những người tốt nghiệp MBA, điều này còn quan trọng hơn cả năng lực học thuật," cô nói. "Và ngay cả bạn học trong chuyên ngành khoa học máy tính, bạn cũng cần đến chúng nếu muốn đạt đến vị trí cao hơn một ngày nào đó."
[Nguồn: Why do Indians outperform Chinese in the US jobs market_ Better people skills could have a lot to do with it _ South China Morning Post]

Comments

Popular posts from this blog

Xiongan (Tường An?): Thành phố mới trong kỷ nguyên Tập Cận Bình

Thunder giành lấy vị trí dẫn đầu thị phần công cụ download P2P của uTorrent