Ngày càng nhiều người Nam Hàn học tiếng Việt. Tại sao?

Sự gia tăng nhu cầu học tiếng Việt phản ảnh mối quan hệ kinh tế bùng nổ.

Các nữ học sinh cầm cờ Việt Nam và Nam Hàn khi chờ đón tổng thống Moon Jae-in trước đến buổi lễ chào đón tiếp tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội (ngày 23 tháng Ba năm 2018 - Image Credit: Kham/Pool Photo via AP

Tại một quốc gia nơi học tiếng Anh và đạt được điểm số test cao là yếu tố cần thiết cho mọi thứ, từ tìm kiếm được một việc làm cho đến có được cơ hội thăng tiến, một số lượng người ngày càng tăng đang kéo nhau đi học một ngôn ngữ ít quen thuộc hơn: tiếng Việt.
Số lượng người ở Nam Hàn tham gia các lớp tiếng Việt và trải qua bài phỏng vấn trình độ nói tiếng Việt tăng 15% lên mức khoảng 800 trong giai đoạn từ 2016 đến 2017.
Một khóa học tiếng Việt tại trường dạy ngoại ngữ online tại Seoul ghi nhận mức tăng 4% trong số lượng học sinh và 11% tăng về doanh thu mỗi tháng kể từ tháng Mười Một 2016, khi trường này bắt đầu mở khóa.
Số lượng người học tiếng Việt tại Nam Hàn vẫn chưa phải là cao, nhưng thực tế số lượng người học tăng nhanh không phải là điều ngẫu nhiên. Xu hướng này diễn ra giữa bối cảnh tăng cường quan hệ kinh tế giữa Nam Hàn và Việt Nam. Xuất khẩu từ Nam Hàn sang Việt Nam đã tăng 46,3% chỉ riêng trong năm 2017, và đã tăng gấp đôi trong ba năm gần đây. Việt Nam nay được dự kiến sẽ trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Nam Hàn vào năm 2020.
Tính đến cuối năm 2017, có khoảng 5.500 doanh nghiệp Nam Hàn đã được thành lập và hoạt động tại Việt Nam trong khi tính đến tháng Mười Một năm 2016, tổng cộng 5.656 khoản đầu tư trực tiếp đã được thực hiện bởi các doanh nghiệp Hàn Quốc. Điều này biến Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư trực tiếp đạt được con số kỷ lục 7,4 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm ngoái.
Nền kinh tế tăng trưởng nhanh của Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sự bùng nổ này. Theo báo cáo tổng quan mới nhất của Ngân hàng Phát triển Á châu ADB (tải báo cáo tại đây), Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng kinh tế ở mức 7,1% và 6,8% trong các năm 2018 và 2019.
Tranh chấp gần đây với Trung Quốc qua việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Hoa Kỳ cũng được cho là một động cơ khiến cho các doanh nghiệp Nam Hàn để mắt đến Việt Nam.
"Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã từ lâu xây dựng nhà máy ở Việt Nam, nhưng tranh cãi quanh hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đã biến Việt Nam thành một cơ sở sản xuất và thị trường xuất khẩu hấp dẫn hơn," ông Kim Ill-san, giám đốc chi nhánh Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh nhận định trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg đầu tháng Tư vừa qua.
Samsung đang dẫn đầu làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, theo sau là các đồng hương như Lotte và CJ.
Samsung Electronics đặt chân đến Việt Nam năm 2008 bằng việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam. Từ đó, công ty này đã xây dựng nhà máy thứ hai ở Hà Nội năm 2013 và một tổ hợp sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng trong đó chủ yếu là TV tại TP Hồ Chí Minh năm 2016.
Khoản đầu tư của Samsung đóng vai trò bản lề trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong tổng số xuất khẩu của Việt Nam, 11% được đóng góp bởi các điện thoại di động của Samsung trong năm 2012, khi tình hình xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn. Tính đến cuối năm ngoái, công ty này sử dụng khoảng 16.000 lao động địa phương và có khoảng 200 đối tác nội địa.
Quan hệ giữa hai quốc gia có vẻ ngày càng được thắt chặt. Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in đang tìm cách để mở rộng thương mại với các đối tác Đông Nam Á, và Việt Nam là một trong số đó. Trong chuyến thăm kéo dài bốn ngày đến Hà Nội tháng trước, Moon đã mô tả sự gia tăng quan hệ với Việt Nam là một hợp tác đôi bên cùng thắng.
Trong chuyến thăm của Moon đến Việt Nam, hai quốc gia đã ký kết tổng cộng sáu biên bản ghi nhớ (MOU). Nếu tính cả các thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, tổng số MOU được ký kết tăng lên con số 18, bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau như thiết bị và phương tiện vận tải, chế biến thực phẩm, dệt may và da giày, phân phối và logistics.
Những nổ lực để gia tăng quan hệ với Việt Nam xuất phát từ yêu cầu của các doanh nghiệp tư nhân.
Khi gặp gỡ với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ngày 21 tháng Tư, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Samsung Electronics Koh Dong-jin nói rằng Samsung sẽ tiếp tục gia tăng quy mô đầu tư và sản xuất ở Việt Nam trong tương lai.
"Samsung sẽ sớm đưa vào hoạt động trung tâm nghiên cứu và phát triển như đã cam kết với chính phủ và tiếp tục đào tạo và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để giúp đỡ họ tham gia vào việc cung ứng cho các dự án của Samsung," ông Phúc cho hay.
Samsung không chỉ có một mình. Lotte đang tìm kiếm sự mở rộng toàn diện trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam, bao gồm hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực siêu thị, cửa hàng bách hóa, khách sạn, cửa hàng miễn thuế và nhà hàng.
Lotte Mart, vốn đang vận hành 13 cửa hàng trên khắp Việt Nam, lên kế hoạch để tăng số lượng này lên 87 vào năm 2020 trong khi mở ra các khách sạn cao cấp và căn hộ ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh.
Các tay chơi nhỏ hơn cũng hướng mắt đến Việt Nam. Công ty thực phẩm Ourhome có trụ sở tại Seoul mới đây cũng đã bắt đầu cung cấp các khóa học tiếng Việt cho nhân viên của họ trước khi mở rộng hoạt động sang Việt Nam.
Tính đến cuối 2017, chỉ có 4,9% học sinh phổ thông ở Nam Hàn quyết định tham gia bài kiểm tra tiếng Việt như là ngôn ngữ thứ hai trong bài kiểm tra đầu vào đại học, bị bỏ xa nhiều so với tiếng Trung và tiếng Nhật với tỷ lệ lần lượt là 5,4% và 8,1%. Điều này có lẽ sẽ thay đổi sớm.
[Nguồn: More South Koreans Are Learning Vietnamese. Why? | The Diplomat]

Comments

Popular posts from this blog

Xiongan (Tường An?): Thành phố mới trong kỷ nguyên Tập Cận Bình

Vì sao người Ấn Độ vượt qua người Trung Quốc trên thị trường việc làm tại Hoa Kỳ?

Thunder giành lấy vị trí dẫn đầu thị phần công cụ download P2P của uTorrent