Bài học kinh tế trong bóng đá nhìn từ trường hợp Cristiano Ronaldo


Tìm hiểu về kinh tế từ bóng đá - IMG Credit: REUTERS/Massimo Pinca


Vòng chung kết Worldcup 2018 tại Nga đã trôi qua, nhưng chỉ sau chưa đầy một tháng từ khi Pháp nâng chiếc cúp vô địch, các fan bóng đá không phải chờ đợi nhiều khi các giải đấu đỉnh cao ở châu Âu qua trở lại. Nhiều người tập trung sự chú ý vào Serie A, giải đấu danh giá nhất của nước Ý, nơi đang là điểm nóng của mùa hè này: Cristiano Ronaldo chuyển từ Real Maldrid đến thi đấu ở Juventus.
Tiền đạo người Bồ Đào Nha đã ký hợp đồng với câu lạc bộ lớn của Ý vào tháng Bảy vừa qua với chi phí lên đến 112 triệu euro - cái giá đắt đỏ đứng thứ sáu từ trước đến nay. Ronaldo được xem là một trong những vận động viên đắt giá nhất, và ngay những ngày sau khi chuyển đến, câu lạc bộ thành Turin đã thông báo thu được 52 triệu euro tiền bán áo đấu của đội tuyển. Vậy có chắc chắn rằng tiền phí chuyển nhượng khổng lồ sẽ được thu hồi trong thời gian sớm?
Tiếc là không. Nếu nghĩ như vậy thì ta sẽ phải bỏ qua những nguyên tắc kinh tế trong vận hành một câu lạc bộ bóng đá. Thực vậy, Business Insider đã cho thấy rằng Juventus chỉ nhận được từ 10-15% doanh thu từ việc bán áo đấu, có nghĩa rằng câu lạc bộ cần phải bán được 5 triệu chiếc áo đấu của Ronaldo để có thể thu hồi được tiền phí chuyển nhượng, và đó là chưa tính đến tiền lương phải trả cho anh chàng này. Thực tế là việc tạo ra tiền từ vận hành một đội bóng dựa trên nhiều yếu tố phức tạp cả trên sân và bên ngoài sân cỏ. Điều này khiến cho Ronaldo trở thành một bài học điển hình về kinh tế học trong bóng đá ngày nay.

Cần phải biết rằng các đội thể thao chuyên nghiệp cũng giống như các công ty giải trí. Cho dù không hoàn toàn thuần túy như vậy, nhưng thực tế là có càng nhiều người để mắt đến thì câu lạc bộ càng tạo ra được nhiều tiền. Thông thường có không nhiều hơn năm dòng tiền chính mà một câu lạc bộ có thể thu được từ các nguồn: phát sóng, tài trợ, thu từ các trận đấu, bán đồ lưu niệm và chuyển nhượng cầu thủ.
Quyền phát sóng là nguồn thu lớn nhất của các câu lạc bộ. Quyền này bao gồm quyền phát sóng các trận đấu nội địa, các trận tranh cúp quốc tế, cũng như những nguồn thu phụ trợ khác mà câu lạc bộ có thể tạo ra, chẳng hạn như phát sóng lại các trận đấu hoặc phí thuê bao cho các kênh truyền hình phát sóng đến TV tại nhà. Doanh thu từ bản quyền phát sóng có xu hướng được đàm phán chung bởi nhà tổ chức giải đấu, bên sau đó sẽ chia lại tỷ lệ cho các đội bóng dựa vào thành tích của từng đội. Bình quân, theo số liệu của hãng tư vấn kiểm toán Delloite, các câu lạc bộ của Anh, Pháp và Ý tạo ra ít nhất 50% thu nhập của họ từ quyền phát sóng, truyền thanh các trận đấu của họ.
Nguồn tài trợ chiếm đến khoảng 20-30% nguồn thu của câu lạc bộ và có thể đến từ các thỏa thuận với các nhà sản xuất dụng cụ thể thao, áo đấu hoặc quyền được ghi tên thương hiệu tại sân đấu. Nguồn thu từ bán vé trận đấu thường là nguồn lớn tiếp theo, sau đó là tiền bán đồ lưu niệm và các nguồn khác (cho thuê sân hay tổ chức các tours lưu diễn của câu lạc bộ), và tổng cộng thường chiếm ít hơn 5-10% nguồn thu của đội.
Khoản thu có tỷ lệ dao động lớn chính là từ chuyển nhượng cầu thủ. Đối với các câu lạc bộ ở giải thấp, bán các cầu thủ tài năng cho đội bóng lớn hơn có thể là nguồn thu lớn, trong khi những câu lạc bộ danh tiến thường ít khi kiếm được nhiều từ chuyển nhượng cầu thủ bởi vì họ có khả năng giữ các cầu thủ tốt cho đến khi cầu thủ không còn đáng giá để giữ.

Tuy nhiên, các chi chí phát sinh đối với câu lạc bộ có vẻ dễ thấy hơn so với kiếm nguồn thu. Bên cạnh các chi phí hoạt động thông thường khi vận hành, sau khi chi những khoản lớn để mua cầu thủ, các câu lạc bộ sẽ phải trả lương cho họ.
Thực vậy, một vấn đề lớn trong bóng đá là tỷ lệ lương trên doanh thu. Tỷ lệ lương trên doanh thu chung tại các giải đấu lớn ở châu Âu hiện nay vào khoảng 58%, nhưng những chi phí khác làm cho việc tạo lợi nhuận trong bóng đá trở nên khó khăn hơn. Ngay cả với Manchester United, đội bóng thu lãi lớn nhất trên thế giới, cũng chỉ tạo ra được khoảng 63 triệu euro lợi nhuận trên một doanh thu lên đến trên 600 triệu euro. Theo các số liệu mới nhất, 45% doanh thu của các câu lạc bộ được dùng để trả lương.
Như vậy việc ký hợp đồng với một ngôi sao như Ronaldo không phải là một đường bóng dài có thể dẫn tới bàn thắng. Đúng ra, việc này nên được nhìn nhận như chiến lược phòng thủ chắc chắn sẽ dẫn đến những cơ hội tối trong tương lai. Và qua thời gian, Juventus sẽ cần đảm bảo rằng chi phí bỏ ra để có được Ronaldo - phí chuyển nhượng, lương và các chi phí vận hành cần thiết để giữ cầu thủ này đứng ở hạng đầu - sẽ được đền bù bằng số tiền mà cầu thủ này giúp cho đội bóng có được. Juventus sẽ bắt đầu bằng việc làm mọi cách để đảm bảo rằng việc mua Ronaldo sẽ là tiền đề cho việc thu lợi được trong tương lai.
Ronaldo được công nhận rộng rãi là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại - chưa kể đến những thành công mà anh ta được xem là sẽ mang về, việc anh ta về với Juventus cũng đã mang theo hơn 300 triệu người theo dõi cho câu lạc bộ trên các trang mạng xã hội, nơi mà Juventus sẽ kiếm ra tiền từ các fan hâm mộ. Các kế toán của câu lạc bộ sẽ hy vọng rằng điều này sẽ giúp gia tăng các khoản thu từ quyền phát sóng, tài trợ và bán vé, những khoản sẽ mang về hơn 64% doanh thu của Juventus (số liệu từ báo cáo tài chính mới nhất của câu lạc bộ cho thấy các khoản này chiếm đến gần 80% tổng doanh thu của mùa trước).

Một câu lạc bộ có thể liên tục chơi hay hơn các đối thủ sẽ có khả năng đạt được thị phần lớn hơn về quyền phát sóng, tài trợ, và bán vé. Điều này sẽ đến lượt nó thu hút nhiều hơn các cầu thủ giỏi, những người sẽ tăng cường khả năng thắng giải - giúp câu lạc bộ biến thành cổ máy tạo tiền. Và các hợp đồng phát sóng cũng như tài trợ vốn được đàm phán theo chu kỳ ba đến năm năm, do đó việc chơi hay qua thời gian sẽ giúp câu lạc bộ có được vị thế tốt khi đàm phán.
Juventus có thể là câu lạc bộ đắt giá nhất ở Ý với doanh thu hơn 400 triệu euro, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều ông lớn khác ở châu Âu như Machester United (676 triệu euro), Real Madrid (674 triệu euro) và Bayern Munich (588 triệu euro). Có thể các fan hâm mộ túc cầu không phải chờ quá lâu để thay đổi trật tự này khi Ronaldo đã đến với thành Turin.
XEM CLIP TỔNG HỢP TẠI ĐÂY

This is how Cristiano Ronaldo reveals the economics of football
It's a numbers game. Read more: https://wef.ch/2Mc9XLL
Posted by World Economic Forum on Tuesday, August 14, 2018

[Nguồn: What Cristiano Ronaldo tells us about the economics of football _ World Economic Forum ]

Comments

Popular posts from this blog

Xiongan (Tường An?): Thành phố mới trong kỷ nguyên Tập Cận Bình

Vì sao người Ấn Độ vượt qua người Trung Quốc trên thị trường việc làm tại Hoa Kỳ?

Thunder giành lấy vị trí dẫn đầu thị phần công cụ download P2P của uTorrent